TIN TỨC TỪ SỞ Y TẾ TP. HỒ CHÍ MINH

THƯ MỜI

THÔNG BÁO


Ngày đăng :   04/02/2020

Ngày đăng :   03/02/2020

Ngày đăng :   03/02/2020

VĂN BẢN


Ngày đăng :   07/02/2020

Ngày đăng :   07/02/2020

Ngày đăng :   07/02/2020

PHÒNG CHỐNG BỆNH KHÔNG LÂY NHIỄM

Dinh dưỡng tiền đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường đang là hiểm họa của sức khỏe cộng đồng, ước tính đến năm 2025 số người mắc bệnh trên toàn thế giới là 330 triệu người chiếm 5,45 %, đặc biệt dân số mắc bệnh gia tăng tập trung ở các nước đang phát triển châu Á và châu Phi. Trước khi mắc bệnh hầu hết người bệnh đều trải qua giai đoạn tiền đái tháo đường nhưng không hề biết và các biến chứng trong giai đoạn này đặc biệt là biến chứng tim mạch không khác gì ở người đã bị đái tháo đường.
I. Tiền đái tháo đường là gì?
Đây là tình trạng đường huyết cao hơn mức bình thường nhưng chưa phải là đái tháo đường, bao gồm:
Rối loạn đường huyết lúc đói biểu hiện khi đường huyết lúc đói từ 100 - 125 mg/dl (5,6 - 6,9mmol/l).
Hoặc rối loạn dung nạp đường biểu hiện khi đo đường huyết sau 2 giờ uống 75g glucose  từ 140 - 199mg/dl (7,8 - 11mmol/l.
Những người có nguy cơ bị tiền đái tháo đường :

  • Tuổi ≥ 45 tuổi.
  • Béo phì : BMI ≥ 25 kg/m2.
  • Gia đình có người thân mắc bệnh đái tháo đường.
  • Phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ , hoặc đã từng sanh con nặng ≥ 4kg.
  • Đã có bệnh tăng huyết áp.
  • Đã bị rối loạn lipid máu: tăng Triglycerid hoặc giảm HDL cholesterol.
  • Thuộc các chủng tộc: Châu Á,  Châu Phi, người Mỹ gốc Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Latin..), dân thuộc đảo Thái Bình Dương.

II . Dinh dưỡng trong tiền đái tháo đường 

Đã có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy chỉ cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và tăng cường vận động thể lực có thể ngăn ngừa tiến triển thành đái tháo đường típ 2.

  1. Chế độ ăn uống hợp lý:
  • Ăn vừa đủ theo nhu cầu cơ thể sẽ giúp duy trì cân nặng phù hợp và giảm cân ở người bị thừa cân béo phì. Cách tính nhu cầu năng lượng do bữa ăn cung cấp được áp dụng như sau:

Nhu cầu năng lượng/ngày = số kcal / kg  x  cân nặng lý tưởng

Mức độ lao động

Nhẹ

Trung bình

Nặng

Nữ

25 kcal / kg

30 kcal / kg

40 kcal / kg

Nam

30 kcal / kg

35 kcal / kg

45 kcal / kg

Cân nặng lý tưởng  = (chiều cao tính bằng cm – 100 ) x 0.9
Ví dụ : người có nam chiều cao 160cm, cân nặng nên có là
(160 – 100) x 0.9 = 54 kg
Nhu cầu năng lượng cần thiết nếu người này lao động nhẹ là:
30 kcal /kg x 54kg = 1650 kcal/ ngày

  • Ăn đủ các nhóm thực phẩm để đảm bảo đủ các dưỡng chất (trên 20 loại thực phẩm mỗi ngày).
  • Chọn lựa thực phẩm có lợi cho sức khỏe: gạo không chà trắng, ngũ cốc còn nguyên, ăn nhiều các loại thực phẩm có nhiều chất xơ để chậm hấp thu đường vào máu sau ăn và giảm hấp thu cholesterol vào máu (bao gồm các loại rau xanh, trái cây tươi), dùng dầu thực vật thay mỡ động vật.
  • Thực đơn nên có cá tối thiểu 2 lần / tuần, nên dùng thêm đạm thực vật (các loại đậu, ngũ cốc) thay 1 phần thịt.
  • Hạn chế các thực phẩm chứa nhiều béo bão hòa và cholesterol để phòng ngừa xơ vữa động mạch có trong mỡ động vật, lòng, phủ tạng, dầu cọ, dầu dừa (trừ mỡ cá), các loại thức ăn nhanh như gà rán, hamburger, snack…
  • Hạn chế ăn mặn bằng cách giảm nêm muối hay tránh dùng thêm các loại nước chấm trên bàn ăn; hạn chế dùng các thức ăn chế biến sẵn nhiều muối như thịt hộp, cá hộp, dưa cà muối, mắm, tương, chao, cá khô…
  • Hạn chế các loại đường mía, nước ép trái cây, nước ngọt, bánh, kẹo, …
  • Hạn chế bia rượu, thuốc lá.
  1. Tăng cường hoạt động thể lực

Chế độ tập luyện thể dục hàng ngày mang lại các lợi ích sau:

  • Duy trì cân nặng cơ thể
  • Giảm cân ở người bị béo phì, thừa cân
  • Giảm tích tụ mỡ thừa
  • Giảm tình trạng rối loạn dung nạp đường
  • Phòng ngừa loãng xương

Các hình thức tập luyện đều được khuyến khích khi phù hợp với tình trạng sức khỏe, nếu cần nên có tư vấn thêm của thầy thuốc. Cường độ tập luyện nên ở mức trung bình, hoặc nâng dần từ thấp đến cao. Loại hình dễ thực hiện nhất là đi bộ, đạp xe, có thể bơi lội, đánh cầu lông… trung bình  40 – 60 phút mỗi ngày, tối thiểu 5 lần trong tuần.

  1. Theo dõi định kỳ và phát hiện sớm bệnh đái tháo đường :

Trên 50% những người được phát hiện tiền đái tháo đường sẽ có nguy cơ trở thành người bệnh đái tháo đường thật sự trong 5 – 10 năm sau. Do đó, ngoài việc thực hiện chế độ ăn uống tập luyện để phòng ngừa bệnh còn phải có chế độ theo dõi định kỳ và tầm soát để phát hiện bệnh sớm nhất và điều trị kịp thời nhằm phòng ngừa các biến chứng do bệnh đái tháo đường gây ra.
Mỗi 3 – 6 tháng kiểm tra lại đường huyết lúc đói hoặc làm nghiệm pháp dung nạp nếu có rối loạn dung nạp đường. Nếu kết quả trở về bình thường, có thể kiểm tra mỗi 6 tháng – 1 năm để tầm soát bệnh.
Chế độ điều trị dinh dưỡng tiền đái tháo đường cần được thực hiện thường xuyên để duy trì đường huyết ở mức bình thường phòng ngừa các tổn thương về tim mạch và trì hoãn tiến triển thành bệnh đái tháo đường thật sự. 

BS.CK1.  Nguyễn  Thị Ánh Vân
Phó khoa Dinh dưỡng Lâm sàng- Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM

 

Các tin khác

  • Đái tháo đường - Gánh nặng sức khỏe toàn cầu