THỜI SỰ DINH DƯỠNG

Tập huấn sàng lọc, quản lý, điều trị đái tháo đường và tiền đái tháo đường tại tuyến Y tế cơ sở

Bệnh đái tháo đường đang trở thành đại dịch nguy hiểm trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận và cắt cụt chi làm tăng chi phí điều trị cho bệnh nhân, gia đình và xã hội. Theo Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới, năm 2017 toàn thế giới có 451 triệu người trong độ tuổi 20 – 79 bị bệnh đái tháo đường, tương đương cứ 11 người có 1 người bị đái tháo đường. Tuy không phải là nước có tỉ lệ người bệnh đái tháo đường cao nhất thế giới nhưng Việt Nam lại là nước có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới về căn bệnh này. Điều đáng lo ngại là 68,9% người tăng đường huyết chưa được phát hiện và tính đến năm 2015, cả nước chỉ có 28,9% người bệnh đái tháo đường được quản lý tại cơ sở y tế.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, bệnh đái tháo đường type 2 có xu hướng gia tăng nhanh chóng và trẻ hóa. Theo kết quả điều tra năm 1990 và 2001 tỉ lệ mắc đái tháo đường chỉ tập trung cao ở khu vực nội thành TP.HCM (lần lượt là 2,5% và 4%); nhưng đến năm 2008, đái tháo đường đã phổ biến trên toàn thành phố (đái tháo đường và tiền đái tháo đường lần lượt là 7,0% và 27,1%) và tiếp tục gia tăng nhanh chóng. Số liệu mới nhất năm 2012 cho thấy tỉ lệ đái tháo đường và tiền đái tháo đường lần lượt là 11,5% và 31,0%. 

Việc tuân thủ lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý và tăng cường vận động có thể dự phòng hoặc làm chậm xuất hiện 70% trường hợp đái tháo đường type 2. Người có yếu tố nguy cơ cao được sàng lọc phát hiện sớm bệnh đái tháo đường và tiền đái tháo đường để có kế hoạch quản lý, điều trị cho bệnh nhân sẽ giúp hạn chế sự gia tăng bệnh đái tháo đường và sự xuất hiện các biến chứng do đái tháo đường gây ra. Ngày 22 – 25/5/2018, Trung tâm Dinh dưỡng đã tổ chức các lớp huấn luyện đào tạo cho tất cả cán bộ y tế phụ trách chương trình đái tháo đường tại tuyến y tế cơ sở nhằm nâng cao kiến thức thực hành về phát hiện bệnh, tư vấn dinh dưỡng, vận động và điều trị cho bệnh nhân tại địa phương.


Cán bộ y tế quận huyện và phường xã tham dự tập huấn tại Trung tâm Dinh dưỡng.


BSCK2.Đỗ ThịNgọc Diệp – Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng – Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình
phòng chống Đái tháo đường Tp.HCM cập nhật kiến thức về bệnh ĐTĐ và hướng dẫn sàng lọc,
chẩn đoán ĐTĐ tại tuyến cơ sở 


BSCK1. Nguyễn Thị Ánh Vân cung cấp kiến thức về
“Dinh dưỡng và vận động trong điều trị đái tháo đường”


BSCK2.Hồ Đắc Phương – Phó trưởng khoa Nội tiết bệnh viện Nguyễn Tri Phương
hướng dẫn điều trị đái tháo đường tại tuyến y tế cơ sở.





 

Các tin khác

  • HỘI NGHỊ DINH DƯỠNG TPHCM MỞ RỘNG LẦN THỨ 7